Mứt dừa đang là món ăn siêu hot trong dịp Tết, vì nó không chỉ dễ ăn, thích hợp với mọi đối tượng, mà còn cực an toàn cho sức khỏe. Bạn chắc chắn cũng sẽ rất tự hào nếu mời khách ăn món mứt tự tay mình làm phải không nào?! Để có những sợi mứt khô, đẹp và ngon đúng điệu như mứt làm sẵn, hãy lưu ý vài điều mà Abby mách bạn dưới đây. Nắm trong tay những bí quyết này, đảm bảo bạn sẽ có món mứt dừa cực ngon đón Tết đó!
1. Chọn dừa làm mứt
Khâu này vô cùng quan trọng nhé, vì nó sẽ quyết định xem món dừa của bạn có ngon hay không, sợi to đẹp hay nhỏ đấy.
Nếu muốn làm mứt sợi to như khi mua sẵn thì bạn phải chọn dừa bánh tẻ, không nên quá già hoặc quá non. Cùi dừa già vừa khó nạo mà mứt làm ra cũng sẽ khô, còn dừa non quá rất khó sên mứt và hay bị nát. Cùi dừa bánh tẻ làm mứt sẽ thích hợp nhất, khiến mứt ngon và dẻo hơn. Dấu hiệu nhận biết cùi dừa bánh tẻ là có phần vỏ sát bên ngoài màu nâu nhạt, dùng tay bấm thử vào thấy hơi mềm. Còn cùi dừa đã già thì vỏ sát cùi có màu nâu sẫm và cứng.
Nếu muốn làm mứt dừa non sợi nhỏ, hoặc mứt hình thì nên chọn cùi non và mỏng hơn bánh tẻ một chút, đừng nên chọn loại non quá thì phần cùi sẽ rất mỏng. Mứt dừa non ăn sẽ mềm, không khô mà lại dẻo hơn nhé. Chỉ là loại mứt dừa non này sau khi sên sẽ rất ngót.
>> Học lỏm cách làm mứt dừa ngon đón Tết
>> Tự làm mứt dừa ngũ sắc đón tết siêu ngon
2. Nạo cùi dừa sợi dài và đẹp
Bước này có lẽ sẽ khiến nhiều bạn thấy nản bởi nạo sợi dừa hay bị đứt. Có 2 cách có thể khắc phục tình trạng này, giúp ta có những sợi dừa dài và đẹp.
- Cách 1:
Sau khi đã rửa sạch cùi dừa và gọt bỏ phần vỏ nâu nhạt sát bên ngoài bạn hãy bổ đôi quả dừa theo chiều ngang. Sau đó, ngửa phần mặt cắt của nửa quả dừa lên trên. Còn phần đáy dưới thì dùng dao sắc cắt bỏ một ít để tạo mặt phẳng bên dưới làm cho nửa quả dừa có thể đứng được. Đặt miếng dừa lên thớt dày, dùng dụng cụ nạo, vừa nạo vừa xoay miếng dừa là được. Bạn cũng có thể kê miếng dừa sát mép thớt để nạo dễ hơn. Tuy nhiên cách này bạn phải dùng lực tay trái để ấn quả dừa xuống thớt nên hơi mỏi.
- Cách 2:
Bạn cũng bổ đôi quả dừa, nhưng thay vì đặt lên thớt hãy để vào một cái bát nhỏ, đặt mặt cắt ngửa lên trên. Rồi dùng dụng cụ nạo, vừa nạo vừa xoay miếng dừa là được. Chiếc bát sẽ giúp bạn xoay miếng dừa dễ hơn, cũng không cần phải cắt phần đáy để miếng dừa đứng trên thớt.
Lưu ý:
- Khi nạo không nên vội vàng mà phải nạo từ từ và đều tay thì mới có thành quả đẹp
- Không nạo dừa để qua đêm rồi mới làm, vì sợi dừa sẽ bị dầu trong dừa làm chua, dẫn đến việc dừa sau khi sên vàng mà không trắng.
3. Ngâm dừa với đường
Sau khi nạo xong, cần nhẹ nhàng rửa cùi dừa với nước 3-4 lần, hoặc ngâm nước để cho ra bớt dầu dừa để khi ăn đỡ sực mùi dầu dừa và bớt bị đầy bụng. Để tiết kiệm thời gian có thể rửa bằng nước ấm. Sau đó vớt ra ướ với đường
Để đường có thể kết tinh chuẩn và bám chắc vào mứt thì lượng đường phải phù hợp. Với mỗi kg dừa đã nạo sợi xong thì cần ướp với khoảng 500g – 600g đường và ướp tầm 2 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hoàn toàn sau đó mới đem sên mứt. Không cần ướp đường qua đêm. (Riêng làm mứt dừa non thì 1kg cùi dừa ướp với 400g đường)
>> Khám phá công thức làm mứt dừa trà xanh đón Tết
4. Sên mứt
Nên dùng chảo to và đáy dày để chất lượng mứt dừa tốt nhất. Làm nóng chảo rồi đổ cùi dừa ướp đường vào, vặn lửa to và đun sôi. Khi sôi, bạn vặn lửa trung bình. Đến khi nước đường bắt đầu cạn dần, vặn nhỏ lửa, đảo liên tục để tránh mứt dừa không bị cháy. Nếu để lửa to ở bước này, nước đường sẽ quá nóng, nhanh chóng chuyển sang màu vàng, dẫn tới mứt dừa có không trắng và có thể bị cháy. Ngoài ra đảo nhẹ tay để sợi mứt không bị đứt.
Đảo đều tay, lúc dừa bắt đầu xuất hiện hạt đường trắng xung quanh sợi dừa thì tắt bếp, để nguyên mứt dừa trên chảo, đảo liên tục cho đường mau khô kết tinh lại là được. Không nên đun trên bếp đến khi đường kết tinh hết, bởi làm vậy mứt dừa sẽ bị cứng quá, không dẻo ngon nữa.
5. Tạo hình cho mứt dừa
Chỉ cần khéo léo một chút, ta cũng có thể biến món mứt dừa thành một tác phẩm nghệ thuật. Với tạo hình độc đáo, chắc chắn món mứt dừa sẽ rất hút khách nhà bạn năm nay.
Bạn có thể dùng khuôn cắt hoa quả để cắt dừa tươi thành các hình mong muốn. Sau đó các bước sau tiến hành như các bước làm thông thường. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng với dừa non thôi nhé.
Nếu muốn tạo hình bông hồng, sau khi sên sợi dừa xong, bạn cho ra giá hoặc rổ sắt, tãi ra cho nhanh nguội và rây bớt đường thừa. Tiếp đó xếp cuộn tròn thành hình bông hồng là được. Loại này không cần sợi phải dài, sợi ngắn cũng có thể ghép được thành bông đẹp.
Một cách trang trí khác, để những miếng mứt có hình rẻ quạt, hay những cánh hoa thì ta chọn miếng dừa vuông hay hình chữ nhật, lấy dao xắt lắt mỏng đều nhau nhưng không đứt lìa thành sợi, sau khi sên mứt xong, dùng tay xếp từng lát dừa cuộn vào thành hình rẻ quạt hoặc bông hoa là được.
Chúc các bạn thành công nhé!
Nguồn: eva.vn