Không chỉ được tổ chức tại Việt Nam, Tết trung thu còn là một truyền thống phổ biến tại các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Với người Việt Nam, Tết trung thu là ngày lễ quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết âm lịch. Năm nào cũng vậy, Tết trung thu thường được tổ chức vào ngày tròn trăng, tượng trưng cho sự đủ đầy, tròn vẹn của tình cảm gia đình. Tuy tình cảm và góc nhìn của tôi dành cho ngày Tết trung thu đã có sự biến chuyển theo thời gian, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 8 âm lịch là tôi lại háo hức mong chờ.
Tết trung thu ngày ấy
Ý nghĩa ra đời của ngày Tết trung thu ban đầu là để các bậc cha mẹ bù đắp cho con cái mình sau một thời gian bận rộn với mùa thu hoạch. Trong ngày này, cha mẹ sẽ bắt tay vào làm đèn lồng, đèn ông sao, trống bồi, bánh Trung thu rồi cùng các con phá cỗ trông trăng. Đất trời cũng như hòa mình vào không khí vui tươi của ngày lễ Tết. Trên mọi nẻo đường, đâu đâu cũng nghe tiếng trống, tiếng kèn, tiếng gọi nhau tập dượt múa sư tử. Trong nhà, nhiều gia đình vẫn cùng nhau tự tay chẩn bị mâm cỗ, cùng nhau làm bánh trung thu như một dịp đoàn tụ mà tất cả mọi người mong đợi.
Hình ảnh Tết trung Thu thời ấu thơ trong tôi là ánh sáng lấp loáng trên giấy bóng màu, hắt ra từ những chiếc đèn ông sao, những chiếc mặt nạ Thủy Thủ Mặt Trăng 1-2k/chiếc còn ám mùi nhựa, hay những con chó trắng làm từ múi bưởi với đôi mắt đen láy, quả hồng ngâm vàng rộm bày ra trong bữa trông trăng hay miếng bánh nướng bánh dẻo thời “nhà mình còn nghèo” chỉ có đậu xanh nhân trứng muối…
Tết trung thu với tôi còn là đủ thứ hương thơm, là hương cốm thanh thanh, hương bưởi nồng nàn, hương ổi thơm lừng, hương hồng dịu nhẹ… Để rồi, trong không gian ngạt ngào hương sắc ấy, tôi sẽ gặp lại hình ảnh bố cặm cụi vót tre làm đèn ông sao từ những ngày đầu tháng, được nhìn thấy mẹ lễ mễ bê mẹt trái cây, cốm, xôi sắp cỗ, được cùng rong chơi bịt mắt bắt dê, thả ba ba chờ trăng rằm mọc với nhóm bạn hàng xóm…
Đúng vậy, mỗi dịp Tết trung thu với tôi là một lần tìm về ký ức tuổi thơ ngọt ngào, và tôi luôn muốn giúp các em, các cháu trong nhà được làm quen với những món đồ chơi giản dị truyền thống. Cứ mỗi dịp Tết trung thu, tôi lại cùng các em loay hoay trong những cửa hàng đồ chơi, tìm cho bằng được những chiếc đèn ông sao, những chiếc trống ếch hay những chiếc mặt nạ thú đã trở thành một phần ký ức dịu êm. Với tôi, Tết trung thu không phải là một dịp để trưng bày những sự hào nhoáng mà hơn hết phải mang lại ý nghĩa của sự đoàn viên. Tết trung thu thời ấy và Tết trung thu thời nay thật đã có ít nhiều biến đổi.
Tết trung thu bây giờ
Đối với trẻ con thành thị, dấu hiệu của Tết trung thu bây giờ đơn giản chỉ là hình ảnh những hàng quán bánh nướng, bánh dẻo được bày biện, trang trí rực rỡ sắc đỏ. Ngoài hai hình dạng phổ biến là tròn và vuông, bánh Trung thu bây giờ còn được nặn thành những hình thú khác nhau như cá chép, lợn mẹ và đàn con… Đồ chơi trung thu cũng sẵn có và hiện đại.
Thật may là tuy có thể thay đổi theo từng năm về bao bì, mẫu mã, nhưng bao giờ món-bánh-phải-có của Tết trung thu cũng chứa đựng chừng đó hương vị ngọt ngào của nhân bánh, vốn được làm từ mứt, xá xíu, lạp xưởng, đậu xanh, trứng muối, mỡ lợn, hạt sen, hạt dưa… Trong đó, quả trứng muối trong nhân bánh được cho là biểu tượng của trăng rằm và vị mặn của trứng muối cũng làm “nhiệm vụ” trung hòa cho các nguyên liệu “ngọt ngào” – hai mùi vị không thể thiếu trong ngày Tết trung thu của người Việt.
Đi cùng với bánh là cỗ mừng trung thu, kèm thêm kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa cũng không thể vắng mặt. Để chia sẻ tình cảm thân tình, người Việt thường tặng nhau những hộp bánh ngon lành vào dịp Tết trung thu cho ba mẹ, thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè, rồi cùng nhau phá cỗ trông trăng bên những chén trà ngon.
Thật hiếm có dịp nào trong năm mà mọi người cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của sự quay quần như Tết trung thu. Đây là một dịp tuyệt vời để bù đắp thời gian bận rộn cho gia đình nhỏ của bạn, đặc biệt là cho các em nhỏ trong nhà. Vậy tại sao không thử tận tay vào bếp chuẩn bị một loạt bánh thật ngon để tặng cho những người thân của bạn vào mùa Tết trung thu này. Vừa an toàn vệ sinh, vừa thể hiện được tấm lòng trân quý của bạn với người được tặng, vừa tạo ra cho mình một kỉ niệm Tết trung thu thật độc đáo. Cùng ghé GATO để học cách làm một chiếc bánh trung thu ngon, đẹp, bổ dưỡng bạn nhé!
♥ Cùng học làm bánh qua kênh youtube của GATO
♥ Kết bạn với Gato qua facebook page nhé
Leave a reply